Công nghệ thông tin >> Công nghệ thông tin

Yên Bái tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022

28/07/2022 02:24:12 Xem cỡ chữ Google
STTTT – Sáng ngày 28/7, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 9 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đ/c Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo tại hội nghị

Dự hội nghị có đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái; các đồng chí lãnh đạo sở, ngành thuộc thành viên Ban Chỉ đạo; Lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể cơ quan đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo, cán bộ, công chức Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Huyện, Thị, Thành ủy, UBND và các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các huyện, thị xã, thành phố.

Tại Hội nghị đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái đánh giá những kết quả bước đầu tỉnh Yên Bái đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất quan trọng, là tiền đề, điều kiện để tỉnh Yên Bái đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng chí nhấn mạnh thêm chuyển đổi số tỉnh Yên Bái đang thực sự đi theo đúng cách làm riêng mà tỉnh đã lựa chọn đó là: Việc dễ làm trước, việc khó làm sau; lựa chọn làm chuyển đổi số song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, luôn nhất quán phương châm “Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.

Những điểm nổi bật trong thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tháng đầu năm 2022

Về các mục tiêu: tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 14/38 mục tiêu (hầu hết là các chỉ tiêu liên quan đến chính quyền số, đến việc giải quyết các dịch vụ công...); đạt 36,8% Kế hoạch. Tuy nhiên, tất cả các mục tiêu đề ra đều được tính toán để thống kê trong cả năm 2022, vì vậy trong thời gian tới có rất nhiều chỉ tiêu sẽ có tính khả thi cao để hoàn thiện.

Về các nhiệm vụ: Đã hoàn thành 30/54 nhiệm vụ đạt 54,55%, trong đó nổi bật như: (1) Chỉ đạo thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 05 ngày 28/02/2022 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh); đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Yên Bái và kịp thời kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh; rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố an toàn thông tin mạng; (2) Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 120 ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh), đây là bước triển khai chuyển đổi số nền tảng nhất, không chỉ trong năm 2022 và trong toàn bộ các năm tiếp theo; (3) Ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; (4) Ban hành kế hoạch và triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức; (5) Mời các chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ để thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cho tỉnh về chuyển đổi số; (6) Triển khai thí điểm mô hình điểm chuyển đổi số tại 3 cấp chính quyền cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (một số địa phương đã thí điểm xây dựng bộ tiêu chí chuyển đổi số cấp thôn, bản...); thí điểm chuyển đổi số tại trường học ... bước đầu đã có cơ sở để nghiên cứu, triển khai nhân rộng trong thời gian tới...

Đề án Đô thị thông minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 07 hạng mục quan trọng, đây là hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ chuyển đổi số của tỉnh; thể hiện sự sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Trong triển khai các nhiệm vụ, đã có một số cơ quan, đơn vị, địa phương là điểm sáng, tiên phong và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về chuyển đổi số, như:

Sở TT&TT - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh đã thực sự trở thành cơ quan đi đầu, dẫn dắt để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt là đồng chí Giám đốc Sở đã tích cực làm việc sâu sát với cơ sở và căn cứ những định hướng, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác chuyển đổi số một cách khoa học, bài bản.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã vận dụng tốt các ứng dụng, nền tảng để triển khai chuyển đổi số phù hợp với ngành, lĩnh vực quản lý của mình, cụ thể: Sở GD&Đ ttriển khai các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số; xây dựng và sử dụng học liệu số; Sở Y tế triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh đạt 70% người dân trên địa bàn tỉnh; 100% đơn vị từ tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử.

Đối với các địa phương: huyện Văn Yên là huyện đầu tiên ban hành đề án cấp huyện về chuyển đổi số; triển khai nhanh chóng các mô hình chuyển đổi số, xây dựng công dân số, là huyện đầu tiên thí điểm ban hành tiêu chí triển khai thực hiện thôn chuyển đổi số; thị xã Nghĩa Lộ xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM của thị xã, xây dựng Đề án của thị xã; thành phố Yên Bái triển khai quyết liệt mô hình công dân số, triển khai đảm bảo 112 nhà văn hóa xã có WIFI miễn phí để phục vụ các tổ chuyển đổi số cộng đồng, triển khai sổ tay đảng viên điện tử; huyện Yên Bình triển khai ngày hội chuyển đổi số của huyện, đăng ký triển khai nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử với chỉ tiêu 100% chi bộ cơ sở sử dụng nền tảng số sổ tay đảng viên điện tử trong năm 2022 - 319 chi bộ...

Đối với cấp cơ sở: 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 10.851 thành viên, mặc dù không phải là tỉnh đầu tiên, nhưng các Tổ chuyển đổi số cộng đồng sẽ là những hạt nhân nòng cốt để triển khai chuyển đổi số từ "dưới lên trên". Các tổ chuyển đổi số đã giúp cho người dân tiếp cận với kiến thức chuyển đổi số, tiếp cận và sử dụng các nền tảng phục vụ chuyển đổi số như: hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt qua các nền tảng mobi money cũng như app ngân hàng; được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như vỏ sò.vn, postmart.vn; được hướng dẫn sử dụng nền tảng khám bệnh từ xa VOV Bác sĩ 24.

Phát biểu Kết luậ Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, tập trung nguồn lực triển khai và hoàn thành các mục tiêu được giao tại Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 của UBND phê duyệt Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022.

Trong đó, 7 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm chuyển đổi nhận thức trong chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chuyển đổi số dần đi vào mọi mặt của đời sống KT-XH. Trong đó cần biến nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực; đổi mới tư duy, đổi mới cách làm phù hợp với tình hình mới, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, phù hợp với sự phát triển nhanh của các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết chặt chẽ với cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

- Tập trung huy động và bố trí nguồn lực để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 565 ngày 08/4/2022 của UBND phê duyệt Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022,

- Triển khai nhân rộng có hiệu quả và theo lộ trình phù hợp đối với các mô hình chuyển đổi số đã có kết quả cụ thể .

- Rà soát bảo đảm tiêu chí 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và đồng bộ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

- Nghiên cứu triển khai xây dựng các dự án phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hợp tác công - tư, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, đồng thời các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tương ứng đối với tỉnh.

- Xác định năm 2022 ưu tiên đưa người dân lên môi trường mạng vì vậy cần vận dụng khéo léo, linh hoạt công tác lãnh, chỉ đạo các Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, Câu lạc bộ chuyển đổi số tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực nâng cao các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ số. Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh gương mẫu đi đầu sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh, trở thành công chức số để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của tỉnh

- Đối với công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng phục vụ chuyển đổi số: Đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị số 05 ngày 28/02/2022 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đưa hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng vào nhiệm vụ thường xuyên, thiết thực và hiệu quả. Bố trí tối thiểu 01 cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực CNTT để tham mưu, tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa phương.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo): Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh (ngày 10/10 hằng năm) theo hướng tổ chức các hoạt động về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng; tổ chức các cuộc thi hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng các nền tảng số, công nghệ số tại 9 địa phương để ngày 10/10 thực sự trở thành một ngày hội chuyển đổi số của toàn dân tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai ứng dụng duy nhất cho người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, cập nhật thông tin chính thống, kịp thời về tình hình chính trị, KT-XH của tỉnh và các tiện ích khác.

Trung tâm Điều hành thông minh: đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu đô thị thông minh tỉnh Yên Bái (dự án giai đoạn 2 thuộc Đề án Đô thị thông minh); tích cực hướng dẫn và sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng đô thị thông minh đã được hoàn thiện để phục vụ chuyển đổi số.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: tham mưu tiến hành nâng cấp Cổng Dịch vụ công của tỉnh để đảm bảo việc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Xây dựng ứng dụng (app) Cổng Dịch vụ công của tỉnh trên thiết bị thông minh, kết nối với các hệ thống phần mềm chuyên ngành; tham mưu đẩy mạnh việc số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều hành thông minh, các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng các nội dung tuyên truyền phong phú đa dạng để phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và vận động người dân tích cực sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt....

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo 9 đơn vị trình bày tham luận làm rõ hơn kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; chia sẻ cách làm hay, cách làm mới của các đơn vị địa phương như: huyện Văn Yên với Thôn chuyển đổi số..., sự tích cực vào cuộc của các đơn vị, địa phương như Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh, thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình...

Hoài Thư

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h